Bối cảnh Biến cố 13 tháng 5

Phân chia dân tộc

Ngày 31 tháng 8 năm 1957, Malaya giành độc lập từ Anh. Tuy nhiên, quốc gia này bị chia rẽ sâu sắc về của cải giữa người Hoa và người Mã Lai. Người Hoa chiếm ưu thế tại hầu hết các khu vực đô thị, họ được cho là kiểm soát một phần lớn nền kinh tế Malaysia. Người Mã Lai thường nghèo hơn và sống nhiều ở nông thôn. Tuy nhiên, người Mã Lai có vị thế đặc quyền đặc biệt về chính trị, điều này được đảm bảo trong Điều 153 của Hiến pháp được soạn ra khi quốc gia này độc lập.[2]

Diễn ra những tranh luận sôi nổi giữa các nhóm người Mã Lai vốn muốn có các biện pháp cấp tiến để thể chế hóa bá quyền của người Mã Lai (Ketuanan Melayu), trong khi các nhóm người Hoa kêu gọi bảo vệ các lợi ích 'sắc tộc' của họ, và các thành viên của các đảng đối lập phi Mã Lai tranh luận cho một 'Malaysia của người Malaysia' thay vì đặc quyền của người Mã Lai.[3] Trong bối cảnh căng thẳng chủng tộc, vào năm 1963, Liên bang Malaysia thành lập và bao gồm Malaya (Malaysia bán đảo), Singapore, Bắc BorneoSarawak.

Từng diễn ra một số sự kiện xung đột chủng tộc giữa người Mã Lai và người Hoa trước náo loạn vào năm 1969. Chẳng hạn, tại Penang, thù địch giữa các chủng tộc biến thành bạo lực vào ngày kỷ niệm một trăm năm George Town vào năm 1957, dẫn đến nhiều ngày ẩu đả và khiến một số người thiệt mạng,[4] và còn có các vụ náo động vào năm 1959 và 1964, cũng như một vụ bạo động vào năm 1967 bắt nguồn từ một cuộc kháng nghị chống phá giá tiền tệ song biến thành giết người theo chủng tộc.[5][6] Tại Singapore, đối kháng giữa các chủng tộc dẫn đến bạo động vào năm 1964, góp phần khiến Singapore tách khỏi Malaysia vào năm 1965.

Bầu cử toàn quốc năm 1969

Trong bầu cử vào năm 1969, liên minh cầm quyền là Đảng Liên minh đối diện với thách thức mạnh mẽ đến từ các đảng đối lập đặc biệt là từ hai đảng mới thành lập và có đảng viên chủ yếu là người Hoa, mang tên Đảng Hành động Dân chủ (DAP) và Parti Gerakan. Trước cuộc bầu cử đã bùng phát các sự kiện sắc tộc, góp phần vào bầu không khí căng thẳng. Một người công tác chính trị thuộc dân tộc Mã Lai bị một băng đảng người Hoa giết tại Penang, trong khi một thanh niên người Hoa bị cảnh sát bắn chết tại Kuala Lumpur. Các phần tử cấp tiến kêu gọi tẩy chay bầu cử và đe dọa bạo động, song đám tang người thanh niên thiệt mạng được tổ chức một cách hòa bình trước ngày bầu cử.[7]

Tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 10 tháng 5 năm 1969, trong ngày này không có sự cố nào. Kết quả cho thấy Đảng Liên minh giành được dưới một nửa số phiếu phổ thông, đây là một bước lùi lớn cho liên minh cầm quyền.[8] Trên bình diện quốc gia, Đảng Liên minh vẫn giành được đa số ghế tại Quốc hội dù số ghế bị giảm đáng kể. Thành phần người Hoa trong liên minh là Công hội người Hoa Malaysia chỉ giành được một nửa số ghế so với trước. Tại cấp bang, Liên minh chỉ giành được thế đa số tại Selangor bằng cách hợp tác với ứng cử viên độc lập duy nhất, do phe đối lập có cùng số ghế trong cơ quan lập pháp bang Selangor (song thời điểm ngay sau bầu cử vẫn chưa rõ Liên minh có kiểm soát hay không). Liên minh để mất quyền kiểm soát Kelantan (vào tay PAS) và Perak, và Đảng Gerakan nắm quyền kiểm soát chính quyền cấp bang tại Penang.[9]

Biểu dương sau bầu cử

Vào đêm ngày 11 và 12 tháng 5, các đảng đối lập là DAP và Gerakan biểu dương thành công của họ trong bầu cử. Đặc biệt là một đám diễu hành lớn của Gerakan hoan nghênh thủ lĩnh tả khuynh của đảng này là V. David.[10] Đám diễu hành của các đảng đối lập bị cáo buộc là khiêu khích ở mức độ cao, trong đó người phi Mã Lai châm chọc người Mã Lai.[7] Một số ủng hộ viên của phe đối lập được thuật là lái xe qua dinh thự của thủ hiến Selangor và yêu cầu ông ta phải rời bỏ dinh thự để trao lại cho một người Hoa.[11]

Các cuộc biểu dương của các đảng đối lập được nhìn nhận là một cuộc tấn công vào quyền lực chính trị của người Mã Lai. Mặc dù các kết quả bầu cử vẫn có lợi cho người Mã Lai dù có tổn thất, song tờ báo tiếng Mã Lai Utusan Melayu nêu ra trong một bài xã luận rằng kết quả này gây nguy hại đến tương lai quyền cai trị của người Mã Lai, và rằng cần hành động để ngăn chặn nó.[12] Vào ngày 12 tháng 5, các thành viên của Đoàn Thanh niên thuộc UMNO biểu thị với Thủ hiến Selangor là Harun Haji Idris rằng họ muốn tổ chức một cuộc diễu hành mừng thắng lợi.

UMNO sau đó công bố một đoàn diễu hành sẽ bắt đầu từ dinh thự của Harun bin Idris. Tunku Abdul Rahman sau đó gọi cuộc diễu hành trả đũa là "không tránh khỏi, nếu không thì các thành viên trong đảng sẽ bị mất tinh thần sau khi phe đối lập phô trương sức mạnh và có những lời lăng mạ nhằm vào họ."[13] Người Mã Lai được đưa từ các khu vực nông thôn đến Kuala Lumpur vì người Hoa vốn chiếm ưu thế trong thành phố. Hàng nghìn người Mã Lai, một số trong đó có vũ trang, đã gia nhập đoàn diễu hành.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biến cố 13 tháng 5 http://www.kakiseni.com http://penangmonthly.com/penangs-forgotten-protest... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://press.princeton.edu/titles/2115.html http://www.google.com.my/#hl=en&safe=off&q=%2211th... http://thestar.com.my/news/story.asp?file=/2007/5/... //dx.doi.org/10.1017%2Fs0021911800137969 http://langkasa-norul.blogspot.co.uk/2013/10/the-m... https://books.google.com/books?id=64Fvi7j42wMC&pg=...